mercredi 13 février 2013

Ý NGHĨA CỦA TRÌ TRAI - Hòa Thượng Tịnh Không

Trai”, điều quan trọng nhất là giữ cho tâm thanh tịnh, trong đời sống thường ngày phải biết giữ gìn tâm thanh tịnh, đây là đời sống có sức khỏe nhất.
Trai”, không phải là ăn chay, hiện nay rất nhiều người cho rằng ăn chay là thọ trai, vậy là sai rồi, hoàn toàn sai rồi. Trai là không ăn quá ngọ. Đại đức xưa thường hay dạy mọi người, một tâm thái bình thường đối với đời sống là bữa sáng phải ăn vừa, chú trọng ở dinh dưỡng, không nên ăn nhiều; Bữa trưa phải ăn no, không nên quá no, cổ đức nói no tám phần là được rồi; Bữa tối phải ăn ít. Cổ nhân dạy mọi người đạo dưỡng sinh là nói như vậy đấy! Phật dạy đệ tử ngày ăn một bữa. Một bữa này cũng phải nhớ chú ý, quyết không được quá no. Chúng ta nhìn thấy có một số những đại đức trong nhà Phật, họ ăn ngày một bữa (tôi đã từng sống chung với họ), nhưng mà một bữa đó của họ là họ ăn một lần hết ba bữa, điều này sẽ tổn hại nghiêm trọng đối với cơ thể. Bạn đã áp bức các cơ quan nội tạng của mình nghiêm trọng. Nó làm sao mà không sinh bệnh chứ? Cho nên tôi nhìn thấy rất nhiều người ngày ăn một bữa đều có bệnh đường tiêu hóa. Vậy là hoàn toàn hiểu sai đối với ý nghĩa ngày ăn một bữa rồi, hoàn toàn hiểu nhầm rồi.
Từ đây cho thấy, Trai tuy chú trọng trên hình thức là không ăn quá ngọ, hiện nay chữ Trai này, buổi sáng cũng có thể ăn, chỉ là không ăn quá ngọ, nhưng mà tinh nghĩa của nó, tinh hoa của nó là ở chỗ nào vậy? Ở tâm thanh tịnh, Trai tâm. Đối với đệ tử xuất gia, việc trai giới là hằng ngày phải phụng hành. Đối với đệ tử tại gia, đệ tử tại gia có gia đình, có sự nghiệp kinh doanh, nếu muốn dứt vọng tưởng, phân biệt, chấp trước khó lắm, cho nên quy định cho đệ tử tại gia mỗi tháng sáu ngày, gọi là lục trai nhựt.
Xã hội trước đây không giống như xã hội hiện nay. Nếu như Phật ở thời bây giờ, thì tôi tin rằng thời hạn trai giới này, nhất định là Ngài chọn ngày chủ nhật, là ngày mà bạn nghỉ ngơi không đi làm, không làm việc. Cho nên khi tôi ở nước ngoài, có rất nhiều người muốn trì bát quan trai, tôi bèn khuyên họ lợi dụng ngày nghỉ chủ nhật. Như ở Mỹ, Canada mỗi tuần họ làm việc năm ngày, ngày thứ bảy và ngày chủ nhật là ngày nghỉ, mỗi tuần nghỉ được hai ngày. Tôi khuyên họ trong hai ngày nghỉ đó chọn ra một ngày, tu tâm thanh tịnh, trì trai. Một tháng có bốn tuần, cậy là chắc chắn có lợi ích cho thân tâm của bạn.
Nhưng người thông thường tâm phóng dật, vọng tưởng quá nhiều. Tâm họ không thâu nhiếp được, vậy phải làm sao đây? Tốt nhất ngày này nên niệm Phật, mỗi một tuần niệm Phật một ngày, cũng không cần phải 24 giờ. Giống như phương pháp của lão hòa thượng Đế Nhàn vậy, rất hay: niệm mệt rồi bạn bèn nghỉ, nghỉ khỏe rồi bạn bèn niệm trở lại, mỗi tuần một ngày. Nếu như người trong nhà đều học Phật, thì cả nhà cộng tu, biện pháp này hay quá! Một tuần tu một ngày tâm thanh tịnh, tu một ngày thân thanh tịnh, trải qua đời sống của Phật Bồ Tát.
Hiện nay chúng tôi không dám nói đời sống của người xuất gia, vì người xuất gia ở trong chùa chiền một ngày cũng ăn ba bữa, còn có điểm tâm, không dám nói trải qua đời sống của người xuất gia, mà nói trải qua đời sống của Phật Bồ Tát, trải qua đời sống của A La Hán, vậy thì hay.
Trì trai chắc chắn phải trì giới. Tại sao vậy? Nếu không trì giới thì tâm của bạn làm sao có thể thanh tịnh được? Như vậy thì bạn chỉ có trai trên hình thức chứ không có trai trên thực chất. Trai trên hình thức là ngày ăn một bữa, còn trai trên thực chất là ngày này tu tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là chân tâm. Nếu như mỗi tuần đều tu một ngày thì tôi tin rằng khoảng vài ba năm, họ sẽ có sự thọ dụng rất lớn. Về thân tâm của họ đều sẽ có sự thay đổi rõ rệt, họ khỏe mạnh, xa lìa phiền não bệnh tật, có những lợi ích như vậy.





mardi 12 février 2013

BỐ THÍ VỚI TÂM VÔ CẦU THÌ CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG


Người thế gian cầu giàu có, chúng ta xả tài. Xả tài mới có thể được giàu có. Nếu như mục đích xả tài của chúng ta là cầu được giàu có, vậy có thể cầu được không? Cầu được, nhưng được không nhiều, giống như bạn đi làm ăn buôn bán để kiếm tiền, nhưng kiếm có hạn, bạn xả thì nhất định được. Nếu như bạn tu bố thí, vì tất cả chúng sanh phục vụ, bản thân chẳng cầu gì cả, vậy bạn có được hay không? Được cả, được càng nhiều hơn, được phước bao lớn vậy? Chư Phật Bồ-tát cũng không thể nói hết, cái phước báo đó ngang bằng với hư không pháp giới. Tại sao vậy? Vì bạn không có giới hạn. Ta có ý niệm cầu tài, thì cái tài này có giới hạn, cái bạn có được không thể vượt qua cái giới hạn này. Bạn chẳng cầu gì cả thì cái quả báo này thù thắng, tại sao vậy? Vì không có giới hạn. Không có giới hạn trong Phật pháp gọi là xứng tánh. Chúng ta xả một đồng, xả một xu, đều được đại phước báo xứng tánh. Người hiểu được cái đạo lý này không nhiều. Cho nên chúng ta phải tu bố thí tài, tu bố thí pháp, tu bố thí vô úy.

Bố thí vô úy là giúp xã hội đại chúng được bình an, xa lìa tất cả sợ hãi, được yên ổn, đây là tu bố thí vô úy. Phàm những gì thuộc vào loại này đều gọi là bố thí vô úy. Từ đó cho thấy, đạo tràng, giảng kinh thuyết pháp, khuyên bảo giáo hóa đại chúng, thì ba loại bố thí này thảy đều đầy đủ. Tài thí, đạo tràng là do tài lực xây dựng, mới thành tựu. Bạn không có tài lực, thì cái đạo tràng này không thể thành tựu. Chúng ta có cái đạo tràng thoải mái như thế này để cùng nhau học tập, thì cái đạo tràng này là bố thí tài, các loại thiết bị bên trong đạo tràng này đều thuộc vào bố thí tài. Người giảng kinh chúng tôi, dùng sức lực của mình, giảng hai giờ ở tại nơi đây, thì cái thân thể này là bố thí nội tài. Thính chúng như quí vị có tu bố thí nội tài hay không vậy? Có, bạn ngồi ở nơi đây được hai giờ đồng hồ, ở đây ngồi nghe giảng rất chăm chỉ là đã làm tấm gương tốt cho những người khác thấy, cũng là bố thí tài, bố thí nội tài vậy! Những điều chúng ta nghe được, thấy được ở đây, đây là Phật pháp, đây là thuộc về bố thí pháp. Nội dung của pháp là dạy chúng ta xa lìa tất cả tai hại, làm sao hướng về điều tốt lành, phước đức, đây là thuộc về bố thí vô úy. Cho nên, một công mà được ba việc, đều ở trong đó cả. Chúng ta phải hiểu rõ cái đạo lý này, phải hiểu rõ cái chân tướng sự thật này. Cho nên đến nơi đây nghe pháp được hai giờ là bạn đang tu bố thí tài, bố thí pháp và bố thí vô úy đó, ba loại bố thí đều đầy đủ.

Tâm của mình rất thanh tịnh, chẳng chút mong cầu, công đức phước báo này là không có hạn lượng. Thế tại sao chúng ta ở trong đời sống thường ngày, vẫn có rất nhiều những chuyện bất như ý vậy? Từ những sự thật này mà quan sát, thì chúng ta có thể tỉnh ngộ ra thôi, do thời gian tu tích công đức của chúng ta quá ngắn, còn thời gian tùy thuận theo phiền não tập khí quá dài. Bạn thử xem, một tuần có bảy ngày, một ngày có 24 giờ, bảy ngày là bao nhiêu giờ? Đến đây để nghe kinh mới có hai giờ đồng hồ, bảy ngày mới tu có hai giờ đồng hồ, những thời gian khác đều là tùy thuận theo phiền não tập khí, cho nên việc bất như ý vẫn thường là tám, chín. Nếu như mỗi ngày đều có tu hai giờ thì tình hình sẽ khác đi nhiều rồi. Chúng ta trong tưởng tượng nếu có tu từ ba đến năm năm thì cảnh giới của bạn liền chuyển biến ngay. Thời gian này của chúng ta hiện nay vẫn còn quá ngắn.

Vậy nếu hỏi, tại sao không tạo cơ hội mỗi ngày giảng kinh để chúng ta có thời gian tương đối dài mà huân tu? Chúng tôi luôn tạo cơ hội, do quí vị có phân biệt, có chấp trước, bạn không chịu đến đó thôi! Quí vị phân biệt chấp trước, pháp sư Tịnh Không giảng kinh tôi mới nghe, người khác giảng kinh thì không đến nghe, vậy sao được? Mỗi ngày vào buổi tối chúng tôi có những người đồng tu giảng kinh tại đây, cũng giảng hai giờ đồng hồ. Bạn thật sự muốn tu thì mỗi ngày không gián đoạn, hằng ngày đến nghe kinh, bạn nhất định có kết quả.

Trước đây tôi đã nói rất nhiều rồi, công đức mà quí vị nghe pháp sư trẻ tuổi giảng kinh lớn hơn so với đến nghe tôi giảng kinh. Không phải là tôi nói dối, từng câu từng chữ của tôi đều là chân thật. Lớn ở điểm nào vậy? Là quí vị đang bồi dưỡng thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ giống như mầm của cây Bồ Đề vậy, còn chưa trưởng thành, bạn mỗi ngày đến nghe kinh là đến tưới nước, chăm bón cho họ để họ có tín tâm. Nhìn thấy có nhiều người đến nghe như vậy, cảm thấy mình giảng cũng không tồi, thì tín tâm của họ tăng trưởng, họ càng cố gắng nỗ lực học tập. Nếu như ở trên bục giảng nhìn xuống thấy không có mấy người, e rằng mình không được, tín tâm không còn nữa! Bạn thử nghĩ xem, công đức này bao lớn? Đây là chúng ta giúp đỡ cho một số pháp sư giảng kinh, thành tựu cho pháp sư giảng kinh. Chúng ta phải ủng hộ họ, phải giúp đỡ họ. Giúp đỡ như thế nào? Đến nghe họ giảng kinh, hơn nữa nhất định yêu cầu họ mỗi ngày phải tiến bộ. Nếu họ không tiến bộ, thì lần sau chúng ta sẽ không đến nghe nữa. Cái này là áp lực đối với họ, không thể không cố gắng nỗ lực chuẩn bị.

Tại sao vậy? Vì giảng không hay nên thính chúng không đến. Quí vị thử nghĩ xem, đến nghe kinh như vậy thì ba loại bố thí tài, pháp và vô úy của các bạn thảy đều đầy đủ. Tích lũy công đức làm ở chỗ nào vậy? Đến cư sĩ Lâm để nghe kinh là được rồi. Lý sự chúng ta đều phải thông đạt, đều phải hiểu rõ, có thể giúp cho một pháp sư trẻ trở thành đại đức giảng kinh tương lai, cái công đức này quá lớn! Tương lai vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn cũng không cần niệm A Di Đà Phật, chỉ cần muốn vãng sanh liền đi ngay. Tại sao vậy? Do công đức quá lớn, Phật A Di Đà sẽ đến tiếp dẫn bạn. Lời tôi nói đều là chân thật.














lundi 11 février 2013

TỨ Y PHÁP

                              



Lời răn dạy sau cùng trước khi Thế Tôn diệt độ là dạy cho chúng ta mấy câu quan trọng hơn bất cứ thứ gì, Ngài đã dạy bảo chúng ta phải “lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”, hai câu nói này rất quan trọng.  Ngoài ra, Đức Phật còn dạy chúng ta Tứ Y Pháp, gồm:
-         Thứ nhất là Y Pháp Bất Y Nhân: pháp là kinh điển, phải y theo trên kinh điển đã nói, không thể nói một người nào đó truyền lại.

-         Thứ hai là Y Nghĩa Bất Y Ngữ: chúng ta phải y theo đạo lý nghĩa lý trên kinh điển đã nói, ngôn ngữ không quan trọng, nói nhiều nói ít, nói cạn nói sâu cũng không quan hệ gì, Phật nói câu nói này, dụng ý rất là sâu, bởi vì Phật biết được, tương lai Phật pháp lưu truyền bốn phương tám hướng, vậy thì quốc gia khác nhau, chủng tộc khác nhau sẽ có văn tự khác nhau. Ngôn ngữ khác nhau nên nhất định cần phải dựa vào phiên dịch, phiên dịch thế là liền dẫn đến sự hoài nghi là họ phiên dịch có giống y như trên kinh đã nói hay không. Cho nên Phật  dạy “y nghĩa bất y ngữ”, tức là chỉ cần ý nghĩa đúng, ngôn ngữ không quan trọng, văn tự không quan trọng, chỉ cần ý nghĩa đúng. Việc này phá trừ đi nghi hoặc này của chúng ta. Ở Trung Quốc có rất nhiều kinh được phiên dịch nhiều lần, như các vị đều biết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật ở Trung Quốc có sáu loại bản dịch, chính là có sáu người phiên dịch khác nhau, nguyên bản chỉ có một, sáu loại bản dịch này chúng ta lấy xem qua, câu cú lời dịch không như nhau, thế nhưng ý nghĩa như nhau, vậy thì được rồi, bạn nương vào một quyển nào cũng đều được.

Bản dịch Kinh Vô Lượng Thọ thì còn nhiều hơn, việc này trên lịch sử đã ghi chép, Kinh Vô Lượng Thọ từ nhà Hán, từ hậu Hán mãi đến triều Tống, khoảng 800 năm tổng công có 12 lần phiên dịch, thế nhưng các vị có thể xem thấy trong lời tựa của cư sĩ Mai Quang Hy, nội dung các bản dịch Kinh Vô Lượng Thọ này khác biệt quá lớn, quyết định không phải chỉ có một nguyên bản, không phải quyển kinh mà những người phiên dịch dùng để dịch là cùng một quyển văn tiếng Phạn. Hiện tại mọi người phán đoán, chí ít có đến ba nguyên bản tiếng Phạn, ba loại khác nhau. Điều này thể hiện rõ Thế Tôn năm xưa ở đời đã nhiều lần tuyên giảng bộ kinh này, mỗi lần giảng mọi người ghi chép lại không giống nhau, nhiều lần tuyên giảng mới có tình trạng này. Điều này rất đặc thù, tất cả kinh Phật nói chưa từng có bộ kinh nào nói qua đến hai lần, chỉ riêng bộ kinh này ít nhất giảng qua ba lần. Khác biệt lớn nhất giữa các bản kinh là gì vậy? Chính là nguyện, số tự của nguyện, việc này phiên dịch như thế nào cũng không thể có sai biệt lớn đến như vậy, bạn xem có 48 nguyện, có 36 nguyện, có 24 nguyện, vậy thì khác biệt quá lớn. Cho nên từ chỗ này mà thấy, đó là nhiều lần tuyên giảng. Ở Trung Quốc chúng ta cũng đã nhiều lần phiên dịch, thế nhưng 12 loại bản dịch này hiện tại chỉ còn lại 5 loại, thâu tập trong Đại Tạng Kinh chỉ có 5 loại, ngoài ra 7 loại khác bị thất truyền. Cho nên Phật dạy “y nghĩa bất y ngữ” để đoạn trừ đi cái nghi hoặc của chúng ta. Chúng ta phải tin tưởng đại đức xưa phiên dịch nhất định không có sai lầm, phải có loại tín tâm này.

-         Thứ ba là Y Liễu Nghĩa Bất Y Bất Liễu Nghĩa: cái gì gọi là liễu nghĩa vậy? Ngay trong một đời này của chúng ta nhất định có được lợi ích, đó là liễu nghĩa, ngay trong một đời này ta học tập mà không có được lợi ích, đối với tôi mà nói đó không phải là liễu nghĩa. Cho nên liễu nghĩa của mỗi người không giống nhau, nhưng nhất định phải được lợi ích chân thật. Lợi ích chân thật này là gì? Đích thực là có thể giúp chúng ta siêu vượt sáu cõi luân hồi, giúp chúng ta chân thật thấy được Phật A Di Đà, vậy thì liễu nghĩa đối với ta.

-         Câu sau cùng là Y Trí Bất Y Thức: điều này rất là quan trọng. Phàm phu chúng ta luôn luôn dùng cảm tình để làm việc nên chỗ này Phật đặc biệt dạy bảo chúng ta phải dùng lý trí, không nên dùng cảm tình, dùng cảm tình thì bạn nhất định sẽ đi sai đường nên nhất định phải dùng lý trí. Lời nói này không những Phật thường nói, mà ngay đến giáo học của thế gian, nhà Nho cũng rất là xem trọng. Nhà Nho nói khi Nghĩa và Lợi bày ra ngay trước mắt ta, chúng ta chọn lợi hay là chọn nghĩa sẽ cho thấy được sự tu dưỡng của một người, thấy được đức hạnh của một người. Nghĩa và lợi bày ra ngay trước mắt, nếu chỉ lấy lợi mà không màng đến nghĩa thì sai rồi. “Khổng viết thành nhân, Mạnh viết thủ nghĩa”, con người nhất định phải hiểu được nhân nghĩa đạo đức, không nên đem lợi hại để trên hàng đầu, nếu đem lợi hại của mình để lên hàng đầu, thì đã quên mất đi nhân nghiã, đó là bỏ mất đi điều kiện làm người, hay nói cách khác, đời sau bạn không thể có lại được thân người. Các vị thử nghĩ xem, thân người cũng không thể có được thì họ làm sao có thể gặp được Phật pháp? Làm sao có thể vãng sanh Thế Giới Cực Lạc? Việc này chúng ta không thể nào không hiểu rõ.

Cho nên phải y lý trí, không nên dùng cảm tình mà làm việc. Điều này nghĩa là gì vậy? Nghĩa chính là nên làm hay không nên làm, cách làm này của chúng ta có nên làm hay không, không nên làm thì không được làm.
Phật dặn bảo chúng ta như vậy, dạy bảo chúng ta như vậy, chúng ta nhất định phải hiểu được, phải y theo giáo huấn của Phật. Cho nên mỗi một người nếu như tường tận Tứ Y Pháp thì sẽ không bị những tà sư nói pháp này mê hoặc. Trên Kinh Lăng Nghiêm nói: “thời kỳ mạt pháp, tà sư nói pháp như cát sông Hằng”, đặc biệt là thời đại hiện đại này, thật sự gọi là thiên hạ đại loạn. Chúng ta thường hay nói đến tôn giáo, tôi nghe người phương tây báo cáo, ở vào thế kỷ này, có rất nhiều tôn giáo mới thành lập, toàn thế giới đại khái có đến bao nhiêu tôn giáo vậy? Khoảng hơn hai ngàn tôn giáo, không phải chỉ có chín tôn giáo như Singapore chúng ta, tôi thật không thể ngờ có hơn hai ngàn tôn giáo. Cho nên việc này chân thật như Phật nói “tà sư nói pháp như cát sông Hằng”. Chúng ta không thể không cẩn trọng, không thể không thận trọng. Cho nên gặp được Phật pháp đó là việc vô cùng may mắn, gặp được Phật pháp thật không dễ dàng gì.

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG




Phật dạy chúng ta, ở trong tất cả cảnh duyên (chúng ta ngày nay nói ở trong đời sống thực tế) chúng ta dùng tâm thái như thế nào để sống, để xử sự đối nhân tiếp vật vậy? Dạy chúng ta một niệm không sanh, tùy duyên chứ không phan duyên! Bồ-tát Phổ Hiền dạy rất hay: “Hằng thuận chúng sanh, tùy hỷ công đức”. Đây là thái độ làm người của Bồ-tát Phổ Hiền, trí tuệ cứu cánh viên mãn đích thực, chúng ta cần phải nên học tập.

Học chưa được, chúng ta phải cố gắng nỗ lực mà học. Chúng ta học được một phần liền có một phần thọ dụng, học được mười phần liền có mười phần thọ dụng. Bạn không thể nói “không học được, tôi sẽ không học nữa”. Không học, bạn sẽ tùy thuận phiền não, mà tùy thuận phiền não thì bạn vĩnh viễn sống trong sáu cõi luân hồi. Vậy là sai rồi!

HT Tịnh Không

NHẠC NIỆM A DI ĐÀ PHẬT (4 chữ mới rất hay)


NHẤT TÂM THÌ VỀ ( Thích Thái Hòa )

Có một vài cư sĩ đến tham vấn tôi, họ hỏi rằng: Thầy tu theo trường phái nào, Tịnh độ, Thiền hay Mật…?

Tôi cười và trả lời cho họ rằng: Tôi không tu theo trường phái nào cả, tôi tu theo đạo Phật.
Đạo Phật thì bao gồm các trường phái Phật giáo, nhưng các trường phái Phật giáo thì chỉ đề cao và phát triển những khía cạnh của đạo Phật theo tông chỉ của mình, mà không phải là toàn thể.
Câu chuyện người mù rờ voi của đức Phật dạy rất là thú vị, vì nó đánh thức cho những ai đang ngái ngủ trên những cái gọi là trường phái!
Có người hỏi tôi, ngồi thiền có thành Phật không? Tôi trả lời, không.

Khách hỏi, tại sao? Tôi nói, vì thiền mới lắng tâm mà chưa phải là giác. Và giác cũng chưa phải là Phật. Vì sao? Vì Phật là toàn giác và là một với tánh giác, chứ không phải chỉ có giác.

Có người hỏi, có Tịnh độ Phật A-di-đà không Thầy? Tôi trả lời có.

Họ hỏi, Thầy biết? Tôi trả lời, biết là do Phật Thích-ca và chư Tổ dạy.

Hỏi: Cũng là quý Thầy cả, sao có người nói có Tịnh độ Phật A-di-đà, có vị nói không?

Tôi nói, ai nói không là chuyện của họ, mình có quyền gì bắt buộc họ nói có, khi lòng họ không tin, tâm họ không tịnh.

Riêng tôi, thì tôi nói có, không những có Tịnh độ của Phật A-di-đà, mà còn có vô số cõi Tịnh độ của chư Phật khắp trong thế giới mười phương.

Vì sao tôi tin như vậy? Vì tôi tin rằng, hết thảy chúng sanh đều có Phật tính. Phật tính là tâm thanh tịnh, chính tâm thanh tịnh tạo nên Tịnh độ của Phật A-di-đà và Tịnh độ chư Phật mười phương. Các cõi Phật đều gọi là Tịnh độ, vì tâm quý Ngài thường trú ở trong sự an tịnh, nên cõi của quý Ngài, gọi là cõi Tịnh độ.

Các kinh điển từ Nguyên thủy đến Đại thừa đều có đề cao pháp học và pháp hành “Tự tịnh kỳ ý”.

Tự tịnh kỳ ý là phải thực tập Giới Định Tuệ để làm cho ý của mình tự thanh tịnh.

Tâm ý thanh tịnh là Tịnh độ của chư Phật. Ai có tâm ý thanh tịnh là người ấy có Tịnh độ chư Phật hiện tiền.

Làm thế nào để về Tịnh độ? Nhất tâm thì về. Tâm tịnh thì Tịnh độ hiện tiền, vọng cầu thì Tịnh độ ẩn mất.

Trong khi đói khát, khách đừng hỏi thế nào là no? Chủ có lương tâm và trí tuệ đừng trả lời đói no với khách khi ấy, mà chỉ một lòng mời khách ăn cơm và uống nước đi, rồi đói no tự biết!

Xin mời khách dùng cơm và uống đi!