lundi 11 février 2013

TỨ Y PHÁP

                              



Lời răn dạy sau cùng trước khi Thế Tôn diệt độ là dạy cho chúng ta mấy câu quan trọng hơn bất cứ thứ gì, Ngài đã dạy bảo chúng ta phải “lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”, hai câu nói này rất quan trọng.  Ngoài ra, Đức Phật còn dạy chúng ta Tứ Y Pháp, gồm:
-         Thứ nhất là Y Pháp Bất Y Nhân: pháp là kinh điển, phải y theo trên kinh điển đã nói, không thể nói một người nào đó truyền lại.

-         Thứ hai là Y Nghĩa Bất Y Ngữ: chúng ta phải y theo đạo lý nghĩa lý trên kinh điển đã nói, ngôn ngữ không quan trọng, nói nhiều nói ít, nói cạn nói sâu cũng không quan hệ gì, Phật nói câu nói này, dụng ý rất là sâu, bởi vì Phật biết được, tương lai Phật pháp lưu truyền bốn phương tám hướng, vậy thì quốc gia khác nhau, chủng tộc khác nhau sẽ có văn tự khác nhau. Ngôn ngữ khác nhau nên nhất định cần phải dựa vào phiên dịch, phiên dịch thế là liền dẫn đến sự hoài nghi là họ phiên dịch có giống y như trên kinh đã nói hay không. Cho nên Phật  dạy “y nghĩa bất y ngữ”, tức là chỉ cần ý nghĩa đúng, ngôn ngữ không quan trọng, văn tự không quan trọng, chỉ cần ý nghĩa đúng. Việc này phá trừ đi nghi hoặc này của chúng ta. Ở Trung Quốc có rất nhiều kinh được phiên dịch nhiều lần, như các vị đều biết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật ở Trung Quốc có sáu loại bản dịch, chính là có sáu người phiên dịch khác nhau, nguyên bản chỉ có một, sáu loại bản dịch này chúng ta lấy xem qua, câu cú lời dịch không như nhau, thế nhưng ý nghĩa như nhau, vậy thì được rồi, bạn nương vào một quyển nào cũng đều được.

Bản dịch Kinh Vô Lượng Thọ thì còn nhiều hơn, việc này trên lịch sử đã ghi chép, Kinh Vô Lượng Thọ từ nhà Hán, từ hậu Hán mãi đến triều Tống, khoảng 800 năm tổng công có 12 lần phiên dịch, thế nhưng các vị có thể xem thấy trong lời tựa của cư sĩ Mai Quang Hy, nội dung các bản dịch Kinh Vô Lượng Thọ này khác biệt quá lớn, quyết định không phải chỉ có một nguyên bản, không phải quyển kinh mà những người phiên dịch dùng để dịch là cùng một quyển văn tiếng Phạn. Hiện tại mọi người phán đoán, chí ít có đến ba nguyên bản tiếng Phạn, ba loại khác nhau. Điều này thể hiện rõ Thế Tôn năm xưa ở đời đã nhiều lần tuyên giảng bộ kinh này, mỗi lần giảng mọi người ghi chép lại không giống nhau, nhiều lần tuyên giảng mới có tình trạng này. Điều này rất đặc thù, tất cả kinh Phật nói chưa từng có bộ kinh nào nói qua đến hai lần, chỉ riêng bộ kinh này ít nhất giảng qua ba lần. Khác biệt lớn nhất giữa các bản kinh là gì vậy? Chính là nguyện, số tự của nguyện, việc này phiên dịch như thế nào cũng không thể có sai biệt lớn đến như vậy, bạn xem có 48 nguyện, có 36 nguyện, có 24 nguyện, vậy thì khác biệt quá lớn. Cho nên từ chỗ này mà thấy, đó là nhiều lần tuyên giảng. Ở Trung Quốc chúng ta cũng đã nhiều lần phiên dịch, thế nhưng 12 loại bản dịch này hiện tại chỉ còn lại 5 loại, thâu tập trong Đại Tạng Kinh chỉ có 5 loại, ngoài ra 7 loại khác bị thất truyền. Cho nên Phật dạy “y nghĩa bất y ngữ” để đoạn trừ đi cái nghi hoặc của chúng ta. Chúng ta phải tin tưởng đại đức xưa phiên dịch nhất định không có sai lầm, phải có loại tín tâm này.

-         Thứ ba là Y Liễu Nghĩa Bất Y Bất Liễu Nghĩa: cái gì gọi là liễu nghĩa vậy? Ngay trong một đời này của chúng ta nhất định có được lợi ích, đó là liễu nghĩa, ngay trong một đời này ta học tập mà không có được lợi ích, đối với tôi mà nói đó không phải là liễu nghĩa. Cho nên liễu nghĩa của mỗi người không giống nhau, nhưng nhất định phải được lợi ích chân thật. Lợi ích chân thật này là gì? Đích thực là có thể giúp chúng ta siêu vượt sáu cõi luân hồi, giúp chúng ta chân thật thấy được Phật A Di Đà, vậy thì liễu nghĩa đối với ta.

-         Câu sau cùng là Y Trí Bất Y Thức: điều này rất là quan trọng. Phàm phu chúng ta luôn luôn dùng cảm tình để làm việc nên chỗ này Phật đặc biệt dạy bảo chúng ta phải dùng lý trí, không nên dùng cảm tình, dùng cảm tình thì bạn nhất định sẽ đi sai đường nên nhất định phải dùng lý trí. Lời nói này không những Phật thường nói, mà ngay đến giáo học của thế gian, nhà Nho cũng rất là xem trọng. Nhà Nho nói khi Nghĩa và Lợi bày ra ngay trước mắt ta, chúng ta chọn lợi hay là chọn nghĩa sẽ cho thấy được sự tu dưỡng của một người, thấy được đức hạnh của một người. Nghĩa và lợi bày ra ngay trước mắt, nếu chỉ lấy lợi mà không màng đến nghĩa thì sai rồi. “Khổng viết thành nhân, Mạnh viết thủ nghĩa”, con người nhất định phải hiểu được nhân nghĩa đạo đức, không nên đem lợi hại để trên hàng đầu, nếu đem lợi hại của mình để lên hàng đầu, thì đã quên mất đi nhân nghiã, đó là bỏ mất đi điều kiện làm người, hay nói cách khác, đời sau bạn không thể có lại được thân người. Các vị thử nghĩ xem, thân người cũng không thể có được thì họ làm sao có thể gặp được Phật pháp? Làm sao có thể vãng sanh Thế Giới Cực Lạc? Việc này chúng ta không thể nào không hiểu rõ.

Cho nên phải y lý trí, không nên dùng cảm tình mà làm việc. Điều này nghĩa là gì vậy? Nghĩa chính là nên làm hay không nên làm, cách làm này của chúng ta có nên làm hay không, không nên làm thì không được làm.
Phật dặn bảo chúng ta như vậy, dạy bảo chúng ta như vậy, chúng ta nhất định phải hiểu được, phải y theo giáo huấn của Phật. Cho nên mỗi một người nếu như tường tận Tứ Y Pháp thì sẽ không bị những tà sư nói pháp này mê hoặc. Trên Kinh Lăng Nghiêm nói: “thời kỳ mạt pháp, tà sư nói pháp như cát sông Hằng”, đặc biệt là thời đại hiện đại này, thật sự gọi là thiên hạ đại loạn. Chúng ta thường hay nói đến tôn giáo, tôi nghe người phương tây báo cáo, ở vào thế kỷ này, có rất nhiều tôn giáo mới thành lập, toàn thế giới đại khái có đến bao nhiêu tôn giáo vậy? Khoảng hơn hai ngàn tôn giáo, không phải chỉ có chín tôn giáo như Singapore chúng ta, tôi thật không thể ngờ có hơn hai ngàn tôn giáo. Cho nên việc này chân thật như Phật nói “tà sư nói pháp như cát sông Hằng”. Chúng ta không thể không cẩn trọng, không thể không thận trọng. Cho nên gặp được Phật pháp đó là việc vô cùng may mắn, gặp được Phật pháp thật không dễ dàng gì.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire